Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Chiếc bình cũ trong ngôi nhà âm nhạc


Một ngày chớm Thu nắng đẹp nàng xách va li cùng con gái nhỏ rời Xóm Núi tới Ba Đình. Vận  hội mới đang mở ra trước mắt, tương lai xán lạn trải ra nâng niu mời gọi gót chân ngà … Nàng muốn làm nghề viết, tuy học thì đã rất lâu rồi nhưng giờ nàng mới tập làm nghề bởi cuộc sống và muôn vàn lí do khác chi phối, dòng đời đưa đẩy nàng tới dừng chân, dạy kịch nghệ, múa hát ở Xóm Núi này cũng đã lâu rồi. ... Một công đôi ba việc, về Ba Đình nàng sẽ làm nghiên cứu sinh nhằm đảm bảo chỉ tiêu “… phổ cập hai mươi ngàn Tiến Sỹ …” của ông quan giáo dục nọ đề ra … Nghe có vẻ đại trà nhưng thực ra không phải không cần những yếu tố thân quen! Con gái nàng sẽ được học âm nhạc tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia ... với sự hứa hẹn dàn xếp của một nhạc sỹ có tiếng! Nhạc sỹ Ngọc Hành! Mặc dù theo sự đánh giá của những người có chuyên môn khác thì tự thân cháu nó cũng không phải là không có khả năng. Nhưng dù sao thì đó cũng là một điều hứa hẹn … sau này nàng chia sẻ với tôi như vậy.
Lần đầu nàng quay lại gặp tôi sau chuyến ra đi ấy, mắt rạng ngời hạnh phúc, nàng hồn nhiên, hồ hởi khẳng định lý do tất yếu, đúng, khi nàng ra đi. Nàng kể về căn nhà hai tầng xinh đẹp ở Ba Đình của nhạc sỹ Ngọc Hành, nơi nàng và con gái sống trên gác hai, nhạc sỹ Ngọc Hành, U60 (cũng có thể hơn, kém tí chút) ấp ủ những khát vọng  nghệ thuật cháy bỏng ở tầng một hay một chỗ nào đó … Nàng sẽ chắp cánh cho chàng thêm bay bổng, chàng là đôi chân sẽ đưa nàng rong ruổi dặm trường … Nàng là một nhành Mai phới phới hoang dã từ núi rừng Tây bắc, cắm trong chiếc bình gốm  già nua cũ kĩ, rạn vỡ, sứt mẻ, cổ quái vằn vèo tô điểm cho “ngôi nhà nghệ thuật”, thứ đồ gốm khi gõ vào thường phát ra những tiếng kêu rè, đục. Nhưng tuy thế, theo một số “công thức nghệ thuật”, một số trào lưu thì vẻ tương phản cổ quái đó dường như được đánh giá rất cao ... Nàng mê đắm với  ngôi nhà hạnh phúc, ngôi nhà âm nhạc, full house … của nàng.
Không lâu sau nàng lại gặp tôi, mắt nàng như bớt đi chút lửa nhưng vẫn đầy hãnh diện, nàng kể: Anh ấy yêu em kinh khủng! Vốn người miền núi thật thà tôi vội nghĩ, có nhẽ tới 15 … /ngày (quan niệm về iêu của tôi nói chung là không hề “bác học”, chẳng mang tính “hàn lâm”, thô mộc và có vẻ vô cùng vớ vẩn …). Anh ấy yêu nghệ thuật và yêu em kinh khủng vì … anh ấy rất hay ghen, nàng nói tiếp: Anh ấy ghen với người trong quá khứ, anh ấy ghen với hiện tại, anh ấy ghen khi em sắp đi đâu, anh ấy ghen mỗi khi em ra khỏi nhà, anh ấy ghen khi em nói tới …. Anh ấy ghen với cả ông thầy đến châm cứu chữa bệnh cho anh ấy … . Vâng. Anh ấy ốm, bệnh luôn và bị chứng rối loạn tiền đình. Nói chung là ghen mọi lúc, mọi nơi!
Anh biết không? Nàng lại mào đầu rồi kể tiếp:
Hôm nay em cho con gái đi Công Viên Nước với hai mẹ con một chị bạn thân, về nhà anh ấy cứ dò hỏi em rồi gặng hỏi con Cún mãi: Cháu chơi trò gì? Cháu đi những đâu? Bác nào đưa đi? Mẹ cháu làm những gì? Mẹ cháu ngồi cùng ai? …v .. v … vừa hỏi dồn vừa lầm bầm: Không logic! Không logic! … trước khi chia tay ra về ngước mắt nhìn tôi nàng hỏi:
Anh ấy thực sự yêu em anh nhỉ?
Như cái máy tôi buột miệng bâng quơ:
Phải tội con bé! Cháu tôi mới có tí tuổi đầu, vừa học hết lớp hai!
Bẵng đi khá lâu nàng lại tới nhà tôi, nàng mang kịch bản đang viết tới đọc cho tôi nghe nhưng cử chỉ của nàng lại như người đang ăn vụng, tay nàng bối rối như muốn che dấu cái gì.
Sao thế này? Tôi nhíu mày ngạc nhiên hỏi.
Ngay chỗ Hổ Khẩu (khoảng  giữ ngón cái và ngón trỏ) trên huyệt Hợp Cốc bàn tay phải của nàng, nơi nàng thường dùng để cầm, nắm, nâng niu, âu yếm … một vết thương như đồng xu đỏ hỏn, ở trong đang làm mủ màu trắng đục nhờ nhờ. Loanh quang một hồi rồi nàng nói đó là do chàng “SƠ Ý” dí tàn thuốc hay cái mồi lửa gì đó của ông thầy châm cứu thường gọi là “ngải” dùng khi bấm huyệt vào trong lúc ghen tuông …
DCM …!
 Miệng tôi bật ra câu chửi tục bằng tiêng Kinh nhưng trong đầu tôi lại lóe lên ánh thép của lưỡi dao Mường, một con dao Lá Trúc …!
Nàng vội vã ra về, nàng nói: Nhà em chi có duy nhất một chìa khóa, em phải về trước khi anh ấy quay trở lại từ phòng thu … Tôi xiết chặt vai nàng, nhấc nàng lên mặc kệ hai chân nàng bơi bơi trong không khí. Tôi hôn nàng một nụ hôn thật sâu và tha thiết. Lần đầu tiên tôi hôn nàng một nụ hôn sâu nhưng trong veo không nhục cảm. Buông nàng ra, tôi đặt nàng trên một tảng đá rồi nhưng lát sau nàng mới nói “buông em ra ông thợ xẻ” rồi vội vã ra về.
Thi thoàng nàng lại gặp tôi khi có thể, nàng bảo bây giờ anh ấy khóa em ở trong nhà mỗi lúc đi đâu đó. Hôm nay em tranh thủ … khi đi chợ, hôm nay anh ấy quên chia khóa …v…v… Anh ấy nói sẽ “mời” em (chỉ “mời em” bởi nàng lại gửi con gái về Xóm Núi) ra khỏi nhà nếu biết em đến chỗ anh hoặc gặp anh bất cứ ở đâu … .  Từ lần hôn nàng bên tảng đá tôi cũng không ôm và hôn nàng nữa, tôi ngồi cách một khoảng vừa đủ, lắng nghe nàng nói về những vở kịch, lắng nghe nảng nói về Xóm Núi, những câu chuyện của hôm qua tại một lưng đèo mây phủ, những câu chuyện của hôm qua trên một đỉnh dốc đầy sao, những câu chuyện từ dĩ vãng xa xưa tại một hải cảng ồn ào. Nghe nàng kể lể về “các anh ấy” … Có lần tình cờ tôi click con chuột máy tính một cách vô thức, giai điệu trong một vở nhạc kịch quen thuộc và yêu thích của chúng tôi cất lên làm nàng chợt thoát khỏi mạch tâm tư đang tuôn chảy, nét mặt hài hài nói với tôi một câui nhưng tôi nghe hơi chua chát:
Anh có thể tắt đi được không? Em hiện đang sống trong một ngôi nhà quá dư thừa âm nhạc! Chỉ là một căn nhà thuê sắp hết hạn hợp đồng!
Có một mùa Hè, một mùa Hè rực lửa qua chưa lâu. Cả một mùa Hè nàng đã tự  giam mình trong căn nhà tuyềnh toàng trống trải, rồi mùa Thu, mùa Đông … trên một căn gác nhỏ như cái tổ chim. Nàng chất thức ăn vào tủ lạnh và cùng tôi “ kháng chiến trường kỳ”. Không ai trói buộc nhưng nàng chỉ ra ngoài khi có những nhu cầu tối cần thiết. Thỉnh thoảng gặp hàng xóm và nghe những câu hỏi thăm: Cô, chú dạo này đi công tác ở đâu mà lâu lắm tôi không gặp? Nàng thường tủm tỉm cười, nhìn vào mắt mà nói với tôi rằng: “Buồn cười thật, họ là láng giềng ngay sát vách …thế mà …” Mùa Xuân sang, khóa luận tốt nghiệp Thạc Sỹ đã hoàn thành, nàng bảo vệ tốt nghiệp thành công xuất sắc. Con chim nhỏ yêu kiều cất cánh rời tổ trong tiết Thanh Minh.
Xóm Núi chật hẹp dường như không phù hợp với nghề viết nàng đang ấp ủ và mảng bằng Thạc Sỹ nghệ thuật của nàng. Thêm một mùa hè nữa trôi qua nhưng không phải trong cái tổ chim và căn nhà trống trải năm trước:
Bước ra khỏi cửa một chiếc BMW bóng bẩy màu đen bởi một “tai nạn” dường như đã được tiên liệu trước, chiếc xe đã đi ngang mùa Hè, chiếc xe hứa hẹn sẽ mang nàng từ Xóm Núi đi tìm học vị Tiến Sỹ nhưng chưa qua được mấy đoạn đường bởi ba cái chuyện lùm xùm vụn vặt không đâu ... Nàng thì thào: “ Anh có ghét em không? Có bao giờ anh dám lấy đĩ về làm vợ không anh?” … Có thể chứ! Tôi trả lời ngắn gọn. Trong các câu chuyện của mình nàng cũng thường thì thào như vậy. Khi thăng hoa, nàng thường hay nói tục và tự nhận mình là “con đĩ lăng loàn …”!
Chiếc xe Wave màu đỏ đưa nàng đến bệnh viên để khám y tế, nàng “mua” giấy chứng nhận sức khỏe, đi chụp ảnh ... viết đề cương và đi nộp hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh … Ít ngày sau, tôi gặp lại nàng ở Ba Đình. Sau bận đi nộp hồ sơ nàng quay về xách va li, dắt con gái nhỏ rời Xóm Núi … tới thẳng nhà nhạc sỹ Ngọc Hành. Nàng ghi danh, nộp tiền cho mười buổi “tiếng Anh cấp tốc” của chính “VIVAHA” tổ chức để lấy chứng chỉ … B (chứng chỉ B nhưng với các nghiên cứu sinh, chứng chỉ này có giá trị như một thứ văn bằng “tiền Tiến Sỹ”) kịp hoàn thiện hồ sơ và tham dự kì bảo vệ đề cương luận án Tiên Sỹ tại: “VINA INSTITUTE OF CULTURE AND ART STUDIES”. Nàng nói buổi bảo vệ của nàng thành công tốt đẹp, nàng đã khóc ngay tại hội trường rồi sau đó mê đắm trong căn nhà mà giờ nàng thấy giống như cái hũ, lùng bùng, hỗn loạn thứ âm thanh hoặc là âm nhạc, ghèn gù, rên rẩm ghen tuông.
Ô hay! Sao lại đi trói buộc, khóa, nhốt một áng mây, một cánh chim như nàng nhỉ? Nàng vốn là cánh chim hoang dã trong bầu trời tự do, là ngọn sóng dạt dào ngoài biển rộng, nàng đâu phải con rùa nuôi để bắt muỗi, bị buộc dây sau xó cửa, thỉnh thoảng được thả bơi lõm bõm trong cái chậu? Cái lồng nhỏ bé có thể nhốt được con chim nhưng làm sao chứa được bầu trời? Một ngọn sóng bị bỏ tù sẽ chỉ là chậu nước!
Bàn tay cầm bút của nàng hằn in dấu ấn của chàng nhạc sỹ Ngọc Hành; Như là vết sẹo gỗ, dấu tích của một nhành Mai đã bị đốn lìa khỏi cội!
Hôm qua nàng tới nhà tôi, nàng không mang theo những kịch bản, nàng cầm theo một tờ giấy nham nhở, nhàu nát trên có một bài thơ, tờ giấy nhàu nát, nét bút của nàng phóng khoáng nhưng vẫn có phần ngay ngắn và rắn giỏi. Trong mắt nàng tôi thấy lại ánh lên vẻ khao khát bầu trời. Thơ của nàng có tiếng rì rào của sóng biển và gió ngàn Tây bắc, thơ của nàng tấu lên những giai điệu tình yêu, nói về sự dối trá, lừa mị, cất lên tiếng của khát vọng, pha lẫn tiếng giãy giụa của ảo vọng và chứng vĩ cuồng, sự ngộ nhận giữa cô độc, bấn loạn hay thiên tài nhưng không ai hiểu. So sánh …to … và …bé, vĩ đại hoặc tầm thường … Không thấy nàng nói bậy!
Tôi biết nàng luôn tìm chỗ dựa một cách hết sức bản năng, nàng luôn tìm cảm giác an toàn bằng cách tự trốn, nhốt mình vào đâu đó, ngộ nghĩnh như bé thơ giơ tay giấu mặt ú òa, như con đà điểu thích rúc đầu xuống cát với cái “phao câu” vĩ đại chổng lên trời; Đôi khi là “một cái lồng”, là một căn nhà … Nàng như ngọn sóng, nàng như áng mây khi trằng, khi đen, khi vàng, khi đỏ … ; Khi đủng đỉnh tựa vào vách núi; Khi bồng bềnh trôi giữa trời xanh; Khi thì thầm lả đi phó mặc, biếng lười, đờ dại; Lúc dào dạt cồn lên dập dồn, cuồn cuộn, hối hả, gấp gáp, đua, tranh …
Cần có một con tim, một nhân cách đủ lớn nếu không sẽ phải có thật nhiều, thật nhiều những con tim bé mọn … chứ không phải một cái bình hàn gắn, sứt sẹo để có thể chứa đựng được nàng bởi nàng là một nhành Mai hoang dại nhưng gắn liền với cội, là một con chim nhỏ luôn chấp chới đôi cánh mềm, đung đưa, nhảy nhót, đi tìm chốn bình yên …
Hôm nay nàng gọi cho tôi từ Xóm Núi. Nàng nói muốn ra tòa làm thủ tục li hôn với người chồng bệnh tật, bị tâm thần phân liệt đã từ bấy lâu nay.
 Saw coffee 15/10/2012
Ptt
P/S: Nhân việc có mấy nhạc sỹ trẻ bị bỏ tù, chưa một lần gặp mặt, chẳng biết vì lý do âm nhạc của họ hay dở thế nào, bình dân hay bác học, nếu nhạc của họ ai ai cũng hiểu thì xin được gọi họ là Nghệ Sỹ Nhân Dân (nghệ sỹ của nhân dân thứ thiệt). Nghĩ thật vô cùng cảm kích, xót xa cho cuộc đời nghệ sỹ! Những người nghệ sỹ thực thụ, khác hẳn mấy thứ inh uôm lăng-xê, đánh bóng, bon chen … tranh giành cao thấp nhan nhản trên các mặt báo hàng ngày … .
 Cảm khái bởi tinh thần dũng cảm và tâm hồn nghệ sỹ của họ nên viết vài hàng chữ, kể câu chuyện có thật, có thể vô tình trùng hợp với  một vài trường hợp nào đó; Dù biết dẫu sao cũng chỉ là việc“ếch kêu động nước ao tù”mà thôi!
Câu chuyện này tuy là chuyện thật nhưng hoàn toàn không có chủ ý soi mói những chuyện riêng tư, áp đặt quan niệm cá nhân. Người viết chỉ muốn phản ánh phần nào thực trạng đời sống văn hóa, nghệ thuật đang diễn ra hàng ngày.
 Tư duy nông cạn, ý tứ tầm thường, lỡ có điều gì thất thố xin được “nguyên mẫu nghệ sỹ” cũng như các “nghệ sỹ cụ”, “nghệ sỹ kỵ” “nghệ sỹ ông”, “nghệ sỹ bà”, “nghệ sỹ … tám vía” “nghệ sỹ ưu tú”, “nghệ sỹ nhân dân”, “nghệ sỹ cung đình”, “nghệ sỹ trí thức”, ”nghệ sỹ công chức”, “nghệ sỹ … công nhân”, “nghệ sỹ nông dân”, “nghệ sỹ doanh nhân”, “nghệ sỹ … quân nhân”, “nghệ sỹ CAND”, “nghệ sỹ lập pháp”, “nghệ sỹ tư pháp,” nghệ sỹ hành pháp” … nghệ sỹ lớn, nghệ sỹ bé, … già, …trẻ, …xa, …gần, …choai choai, … vừa vừa, … riu riu, … giò giò, …nhàng nhàng, …nhơ nhỡ … mở lòng lượng thứ! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét